Lễ hội Đền Bạch Mã - Về nguồn cội, kết nối tâm linh

31 Tháng 5, 2025 | Lễ hội

Đền Bạch Mã (thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) được Vua Lê Thái Tổ ban chiếu chỉ xây dựng để thờ danh tướng Phan Đà. Đền cũng là nơi gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiêu triều đại Phong kiến, các bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền.

Lễ hội Đền Bạch Mã - Về nguồn cội, kết nối tâm linh

Lễ rước vừa để tôn vinh công trạng thần, vừa tạ ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ thần và cũng để phô trương thanh thế của làng. Những người dân được chọn tham gia vào đội hình rước thần đều là những người khỏe mạnh, có tư cách phẩm chất đạo đức tốt.  Đoàn rước đi qua 2 xã Võ Liệt và Thanh Long với 7 điểm nghinh đón thần cùng lễ vật để bái tạ tại các làng: Tân Hà, Trường Yên, Trung Đức, Lam Giang, Khai Tiến, Liên Kỳ, Tiên Thanh.

Dân trong thôn cũng đến dâng hương và cầu xin thần ban phúc lộc. Sau khi thực hiện nghi lễ xuất quân tại đền, một hồi trống vang lên, toàn bộ đoàn rước rút xuống khu vực sân đền, sắp xếp đội hình theo thứ tự đã được định sẵn để chuẩn bị cho lễ rước thần. Vào giờ đã định, đoàn rước bắt đầu khời hành. Trong đoàn rước không thể thiếu đội kiệu. Đội khiêng kiệu được tuyển chọn khá khắt khe. Theo các cụ cao niên cho biết, xưa để chọn được các trai tráng khỏe mạnh phụ trách khiêng kiệu của thần, các làng phải họp dân, thi tuyển thông qua các cuộc thi vật cù của các làng, người khiêng kiệu phải đảm bảo các tiêu chí: khỏe mạnh, gia đình nề nếp, gia thế song toàn. Sau khi chọn lựa kỹ lưỡng, các phu kiệu được tập duyệt trước khi lễ hội diễn ra nhiều ngày.

Đoàn rước kiệu bao gồm 2 kiệu lớn (một kiệu long đình và một kiệu bành dùng để rước thần Phan Đà và các vị thần được phối tế tại đền), và một kiệu lễ vật nhỏ đi trước, do hai người khiêng cùng đội tháp tùng cầm đồ tế khí, binh khí, gươm, đao… Tiếp đến là đội hình khênh kiệu bành đặt bài vị thần Phan Đà. Trên đường rước từ đền Bạch Mã đến Phủ Ngoại, theo quy định từ xưa đến nay đoàn rước đi qua 7 thôn: Tân Hà, Trường Yên, Trung Đức, Lam Giang, Khai Tiến, Liên Kỳ, Tiên Thanh.

Tại các thôn đoàn rước đi qua, nhân dân dựng các điểm nghinh đón có đầy đủ hương án, đồ lễ cỗ chay, cỗ mặn và cử các cụ cao niên có uy tín trong làng với trang phục áo dài khăn đóng truyền thống, đón đoàn rước đi qua để làm lễ bái tạ Thần Phan Đà, đây cũng là điểm để dân trong thôn đến dâng hương cho thần đồng thời xin được thần ban cho phúc lộc. Đây là nét riêng biệt trong lễ rước thần đền Bạch Mã, thể hiện sự tôn kính, tri ân của nhân dân đối với Ngài. Ngoài ra, việc dừng lại tại các điểm nghinh đón còn có ý nghĩa cho đoàn rước nghỉ chân và châm thêm hương vì hành trình rước khá dài.

Khi về đến đền Phủ Ngoại, đoàn rước dừng lại thực hiện nghi lễ tế thân phụ mẫu Thần Phan Đà, mời các vị về dự lễ hội. Kiệu, bài vị của thần Phan Đà đặt chính giữa quay mặt hướng vào Phủ Ngoại. Lúc này, nhân dân và du khách thập phương dừng lại phía sau để Ban lễ nghi tiến hành soạn mâm lễ vật và dâng hương mời thân phụ, thân mẫu về dự lễ hội. Nghi lễ này được tổ chức nhanh gọn để đoàn rước có thể trở về kịp thời gian làm Lễ yết cáo báo cáo các vị thần linh, kính thỉnh chư vị về dự hội. Lễ vật dâng cúng trong lễ yết cáo không thể thiếu một mâm lễ cá sông rán, món ăn đặc trưng của người dân ven sông Lam.

Ngày 10, dân làng thực hiện lễ Đại tế và lễ tạ, cảm ơn thần linh, thân phụ, thân mẫu đã phù hộ cho hội diễn ra tốt đẹp

Trò chơi vật cù trong lễ hội ngoài việc tái hiện việc tướng Phan Đà tuyển quân, còn mang tính biểu tượng sâu xa về phong tục thờ Mặt trời của dân cư nông nghiệp trồng lúa nước.

Lễ hội đền Bạch Mã là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức hàng năm là dịp để cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống đánh giặc ngoại xâm của cha ông, tưởng nhớ và tôn vinh vị tướng Phan Đà đã hy sinh vì đất nước; đồng thời thể hiện cách ứng xử, nếp sống, phong tục tập quán của địa phương. Lễ hội đền Bạch Mã thể hiện tính cố kết của cộng đồng trong việc tham gia lễ hội, tinh thần đoàn kết, đồng đội trong các trò hội.

0 Bình luận

Loading...