Nghệ An - non xanh nước biếc, đậm tình người

29 Tháng 5, 2025 | Vùng đất con người Nghệ An

990 năm, sử sách ghi nhận danh xưng Nghệ An, vùng đất sông Lam núi Hồng, sơn thủy hữu tình, con người cần kiệm, anh hùng, giỏi giang, tình nghĩa.

Nghệ An - non xanh nước biếc, đậm tình người

Miền đất ấy có danh xưng tính đến năm 2020 này là tròn 990 năm, với biết bao thăng trầm. Sử cũ chép lại rằng, thời Hồng Bàng (2879 – 258 tr.CN), nước ta gọi là Văn Lang và được chia thành 15bộ. Vùng đất Nghệ An thời bấy giờ là một trong 15 bộ đó, có tên gọi là Hoài Hoan (vùng đất Hà Tĩnh cạnh đó gọi là bộ Cửu Đức)… Sau nhiều lần thay đổi tên gọi hành chính, năm 1030 (năm Thiên Thành thứ 3 đời Lý Thái Tông), vùng đất này bắt đầu có tên gọi Châu Nghệ An với việc đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An Châu trại. Danh xưng Nghệ An chính thức bắt đầu từ đó.

Từ miền đất thân thương này, không rõ có từ bao giờ mà câu dân ca xứ Nghệ ăm ắp ân tình vẫn vọng mãi đến tận ngày nay:

“À ơi... Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục

Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”

Trong sâu thẳm lời ca ấy là con người Nghệ An, là “non xanh nước biếc” Nghệ An, đã hòa quyện để tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của miền quê thấm đẫm nghĩa đất tình người. Người Nghệ An từ bao đời nay có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học và yêu nước, văn hóa và cách mạng.

Nghe An non xanh nuoc biec dam tinh nguoi

Một góc biển Nghi Thiết (Cửa Lò)

Điều đáng trân trọng nhất ấy đã trở thành “tài sản” tinh thần vô giá của người xứ Nghệ; dù cho vật đổi sao dời, phẩm chất ấy vẫn trường tồn. Cũng từ cuộc sống có phần lam lũ của con người mà mảnh đất “gió Lào cát trắng” này đã là cái nôi của những điệu hò, câu ví được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; càng làm cho văn hóa nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng trường tồn, phát triển bền vững trong lòng dân tộc và nhân loại.

Xưa nay, người Nghệ An hiếu học, tôn sư trọng đạo, biết tôn vinh người có công với làng với nước, biết quý trọng người hiền tài… Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp. Nhưng không chỉ có vậy, người Nghệ An còn có những phẩm chất đặc trưng khác nữa; như GS. Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học, người lớn lên từ mảnh đất xứ Nghệ, có nhận xét rất mạnh bạo rằng: "Đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và sự tử tế" - Sự tử tế làm nên tính cách bao trùm của người Nghệ An; Còn cái ngông, cái gàn của người đất Nghệ là cái ngông, cái gàn của kẻ sĩ, của người có học! Có phải cũng nhờ “sự tử tế, cái ngông, cái gàn” ấy mà từ bao đời nay, người Nghệ An đã vun đắp cho mình một nền văn hóa bản địa độc đáo, đủ sức đề kháng với các yếu tố văn hóa bị xem là xa lạ, ngoại lai, độc hại? Trong suy nghĩ của riêng tôi, không có chỗ để phủ nhận điều đáng trân trọng ấy. Thế nên người đời thường nói, Nghệ An là nơi Đất học sinh hào kiệt, Thiên nhiên tôi cốt cách là vậy. 

Nghe An non xanh nuoc biec dam tinh nguoi

Đền Chung Sơn (xã Kim Liên - Nam Đàn) - thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người Nghệ An, dù ở miền đất nào trong số 21 đơn vị hành chính của tỉnh cũng đều mang phẩm chất của người xứ Nghệ bên cạnh cái riêng có của mỗi vùng, miền. Đó là Nam Đàn- một miền “địa linh nhân kiệt”; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh –Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; nơi có Làng Sen quê nội của Bác, tên chữ là Kim Liên (sen vàng), và Làng Chùa (tên chữ là Hoàng Trù) - quê ngoại của Bác Hồ, và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Hay như huyện Thanh Chương, cũng là miền quê có nhiều dòng họ nổi danh trong việc học hành, với 25 vị đỗ đại khoa thời phong kiến (trên tổng số 150 người cả tỉnh)... Hoặc quê lúa Yên Thành lại nổi tiếng về văn chương khoa bảng đứng đầu một phủ: Trạng nguyên Bạch Liêu - người mở đầu cho truyền thống khoa bảng huyện Yên Thành và cả xứ Nghệ vào khoảng giữa thế kỷ XIII, đời vua Trần Thánh Tông….

Trở ra nơi địa đầu xứ Nghệ - Quỳnh Lưu, nơi có làng Quỳnh Đôi nổi tiếng trong ngoài về truyền thống hiếu học, học giỏi. Thế nên mới có ông Hồ Sĩ Dương, nhà nghèo lắm, bữa ăn bữa nhịn… nhưng vẫn quyết chí học hành và ông đã đỗ đầu khoa thi Hương (1651), lại đỗ đầu khoa Đông Các (1659), trở thành một trong 2 người Việt Nam đỗ lưỡng quốc Trạng nguyên (người còn lại là Mạc Đĩnh Chi).

Các bậc cao niên quê tôi vẫn coi lèn Kim Nhan là biểu tượng của cây bút thần viết chữ lên trời cao, vì thế người Anh Sơn thời nào cũng trọng việc học hành. Thời phong kiến, Anh Sơn có 2 người đỗ đại khoa là Ngô Trọng Điển đậu tiến sĩ khoa Bính Ngọ và Nguyễn Văn Giá đậu tiến sĩ khoa Quý Sửu; thời nhà Nguyễn, Anh Sơn có tới 5 Tiến sĩ trong số 91 tiến sĩ của toàn tỉnh Nghệ An; thời thuộc Pháp cũng có nhiều người đỗ đạt thành danh… Thời nay cũng nhiều người học rộng, tài cao và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung của quê hương, đất nước…

Anh Sơn còn tự hào là vùng quê hội tụ nhiều loại hình văn hóa: Văn hóa rãy dốc, văn hóa rãy bằng, văn hóa lúa nước, văn hóa sông nước cùng tồn tại, giao lưu và tiếp biến. Qua bao đời, người Anh Sơn sống quây quần theo làng xã, dòng tộc nên văn hóa làng và văn hóa dòng họ là nét đặc sắc của văn hóa Anh Sơn. Quê hương Anh Sơn của tôi nhỏ bé vậy, nhưng cũng có 2 làng đã được đưa vào giới thiệu trong số 51 làng tiêu biểu của Việt Nam, đó là làng Yên Phúc và làng Dừa. 

0 Bình luận

Loading...