Năm 2024, Nghệ An đã khẳng định mình với những bước tiến nổi bật trên mọi lĩnh vực. Tăng trưởng GRDP ấn tượng, thu ngân sách vượt dự toán và thu hút đầu tư mạnh mẽ đã tạo nền móng vững chắc cho quá trình phát triển. Điểm nhấn từ chương trình nông thôn mới đến cải cách hành chính, chuyển đổi số, cùng các thành tựu về giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội, không chỉ phản ánh sự nỗ lực toàn diện mà còn mở ra nhiều kỳ vọng lớn: Nghệ An đang bứt phá, hướng tới mục tiêu là vai trò đầu tàu kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực; dự kiến hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Tăng trưởng GRDP ấn tượng
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,01%, (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 3 Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (sau Thanh Hoá, Khánh Hoà) và thứ 13 cả nước); trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,61% (riêng công nghiệp tăng 15,82%); khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 8,08%.
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, vượt 49,3% dự toán, vượt 10,4% thực hiện năm 2023 (là năm thứ 3 liên tiếp vượt mốc 20.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tiệm cận chỉ tiêu thu ngân sách của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19); trong đó, thu nội địa ước thực hiện 22.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.650 tỷ đồng. Có 19/21 huyện, thành phố, thị xã đều vượt dự toán thu do HĐND tỉnh giao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Luỹ kế đến cuối năm 2024, dự kiến toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 79,56% tổng số xã (trong đó có 127 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công cũng là một điểm sáng nổi bật. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân 7.166,388 tỷ đồng, đạt 69,65% tổng kế hoạch. Nếu không tính 363,308 tỷ đồng mới giao bổ sung tại Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 01/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân đạt 72,2% (cao hơn so với cùng kỳ 67,17% và cao hơn bình quân cả nước (60,43%). Dự kiến hết năm 2024, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt trên 95% tổng kế hoạch. Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh (như đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò giai đoạn 2, đường nối Quốc lộ 7C đến đường Hồ Chí Minh, đường ven biển) được tập trung chỉ đạo, hoàn thành đưa vào sử dụng. Các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Diễn Châu - QL46B), dự án đường dây 500kV mạch 3... được tập trung chỉ đạo quyết liệt và hoàn thành đúng tiến độ.
Năm 2024, thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án đạt trên 59,62 ngàn tỷ đồng (tính đến ngày 30/11/2024); trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt xấp xỉ 1 tỷ 568 triệu USD (dự kiến cả năm đạt trên 1,69 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, kỳ vọng giữ vững tốp 10 các địa phương thu hút FDI của cả nước).
Các khu công nghiệp lớn như VSIP, WHA đã trở thành điểm sáng trong việc thu hút các tập đoàn lớn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Môi trường kinh doanh được cải thiện, thủ tục hành chính tinh gọn, minh bạch đã góp phần xây dựng niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp.
Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ về CCHC, nâng hạng cả Par-Index và SIPAS
Năm 2024, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số - Tập trung nâng cao tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình - Tỷ lệ số hóa hồ sơ - Tỷ lệ thanh toán trực tuyến”, với phương châm “Chọn việc trọng tâm - Hành động quyết liệt”, lựa chọn 07 đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm về công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai Đề án số 06/CP tiếp tục được chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần chỉ đạo “Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.
Kết quả, Nghệ An tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ về cải cách hành chính, với chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu khu vực Bác Trung Bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 2 bậc so với năm 2022. Các nỗ lực trong chuyển đổi số đã thúc đẩy hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Không dừng lại ở phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét hơn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định (đứng thứ 4 cả nước về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia; có nhiều học sinh đạt giải khu vực và quốc tế); chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ vượt bậc, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, với nhiều hoạt động nổi bật. Công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân, phòng chống tham nhũng tiếp tục được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện.
3.4M
Số dân sống tại Nghệ An
16.4K
Diện tích hàng nghìn km vuông
3K+
Di tích lịch sử văn hóa
6%
Du khách du lịch hàng năm