BẢO TÀNG VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC – QUỲ CHÂU
Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Quỳ Châu toạ lạc trên một diện tích khoảng 2.000m2, được xây dựng năm 1975 và hoàn thành vào năm 1976. Đây là nơi trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Nghệ An và các tài liệu về sự ra đời, hoạt động của 3 huyện miền núi: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp (thuộc Phủ Quỳ cũ).
Bảo tàng hiện có 373 hiện vật, tư liệu lịch sử từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có 41 hiện vật khoa học, 10 hiện vật sành, sứ, thuỷ tinh, 43 hiện vật bằng đất đá, quặng: 83 hiện vật bằng giấy, 46 hiện vật bằng vải, 57 hiện vật bằng đồ mộc; 71 hiện vật bằng kim loại; 6 hiện vật bằng xương, sừng, ngà, da; các hiện vật khác là 16. Tổng số ảnh maket trong bảo tàng là 865 ảnh; có 23 tập phim với hơn 2.000 phim.
Các hiện vật phân theo thể loại gồm: khảo cổ (40); tài nguyên (16); dân tộc học (88); hiện vật chống Pháp và chống Mỹ (229). Đây còn là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật, các mô hình nhà sàn, chữ viết của dân tộc Thái… giúp cán bộ, học sinh, sinh viên tham quan nghiên cứu về lịch sử địa phương và dân tộc học ở vùng núi Nghệ An. Ngoài ra, bảo tàng còn phục vụ các hoạt động nhằm mục đích và nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Với tầm quan trọng đó, trong tương lai không xa, bảo tàng sẽ được nâng cấp, đầu tư và xây dựng thêm để thực sự là một bảo tàng dân tộc miền núi Nghệ An.
Hiện nay, bảo tàng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập mỗi năm. Hy vọng, thời gian tới, sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng và bổ sung, nâng cao chất lượng các dịch vụ, bảo tàng sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi về với miền Tây xứ Nghệ.