Xuân này về Nam Đàn quê Bác

11/10/2021 2752 0

Hoa Xuân lại nở rộ khắp mọi miền đất nước. Xuân về khoe sắc mới trên quê hương Nam Đàn - Nơi không chỉ có cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, nơi được người xưa coi là trùng lai danh thắng địa, có núi Thiên Nhẫn, núi Đại Huệ, tạo nên một vóc dáng bề thế riêng của vùng đất mà còn là một miền quê giàu truyền thống cách mạng và là nơi sinh ra Nhân kiệt. Mùa Xuân này, Nam Đàn thêm rộn ràng trong niềm vui của huyện Nông thôn mới và đang chung sức đồng lòng xây dựng huyện Nông thôn mới Kiểu mẫu của cả nước.

 

 Hoa Xuân lại nở rộ khắp mọi miền đất nước. Xuân về khoe sắc mới trên quê hương Nam Đàn - Nơi không chỉ có cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, nơi được người xưa coi là trùng lai danh thắng địa, có núi Thiên Nhẫn, núi Đại Huệ, tạo nên một vóc dáng bề thế riêng của vùng đất mà còn là một miền quê giàu truyền thống cách mạng và là nơi sinh ra Nhân kiệt. Mùa Xuân này, Nam Đàn thêm rộn ràng trong niềm vui của huyện Nông thôn mới và đang chung sức đồng lòng xây dựng huyện Nông thôn mới Kiểu mẫu của cả nước.


Một vùng quê Nhân kiệt

Nam Đàn từ xưa đã được xem là một trong những cái rốn của nghìn năm khoa cử nơi xứ Nghệ, đã góp cho đất nước 38 vị đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục… Không phải ngẫu nhiên mà người dân nơi đây vẫn truyền câu sấm của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh” - Nghĩa là: “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”. Và, cụ Phan Bội Châu khi trả lời một người bạn, đã từng khẳng định: “Nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”. Quả thật, sông núi Nam Đàn, nơi cắt rốn chôn nhau và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh...

Ngát hương sen trên quê hương Hồ Chủ tịch

Nam đàn “địa linh nhân kiệt” cũng là nơi có nhiều đền chùa, di tích lịch sử - văn hóa, như: đền vua Bà, đình Nhân Hậu, đình Hoành Sơn, riêng đình Nam Hoa là quần thể của 4 đình nổi tiếng… Đặc biệt, mới đây Đình Hoành Sơn đã được đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Người dân Nam Đàn mang trong máu của mình phẩm chất của con người xứ Nghệ là cương cường, quả cảm, tiết tháo, trung thực, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Lễ rước an vị Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt Đình Hoành Sơn

Tự hào về quê hương đổi mới, phát triển

Phát huy truyền thống quý báu của quê hương, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã và đang tiếp tục phấn đấu, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch (Nam Đàn đã được công nhận là huyện Nông thôn mới của tỉnh Nghệ An) theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành quả xây dựng NTM trong những năm qua ở Nam Đàn nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa… tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân. Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh của người dân. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhận thức của nông dân từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên quê Bác không ngừng được nâng cao…. Những thành quả ấy thật đáng tự hào.

Toàn cảnh Chùa Đại Tuệ

Trong năm 2020, vượt qua rất nhiều khó khăn trong điều kiện cả nước phải căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt nặng nề, huyện Nam Đàn vẫn tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nỗ lực thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, cũng như tổ chức hoạt động văn hóa gắn với du lịch. Trong đó về văn hóa - xã hội, huyện chú trọng nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phát động thi đua "Xây dựng nét đẹp người dân quê Bác" trong giai đoạn mới. Tham mưu tổ chức thành công lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 51; tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn  kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020; 10 năm thực hiện chiến lược gia đình và các văn bản triển khai Gia đình văn hóa giai đoạn 2010-2020; Tổ chức dạ hội chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ, các sự kiện chính trị trên địa bàn huyện...

Phía trước là Diện mạo một huyện Nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2021, Nam Đàn tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Đề án Xây dựng NTM nâng cao. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí NTM, trong đó có việc nâng cao chất lượng 19 tiêu chí về xã NTM. Cụ thể, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các xã phù hợp với định hướng của Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và Đề án xây dựng huyện NTM kiểu mẫu; bổ sung quy hoạch chi tiết khu trung tâm của một số xã được định hướng xây dựng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho nhân dân; Theo đó, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã chuyên ngành gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện; tổ chức đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên đào tạo nghề, kỹ năng phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch;  xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án OCOP cấp huyện; phát triển, thương mại hóa các sản phẩm đặc sản địa phương phục vụ du lịch; bảo tồn, phát triển các làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát huy giá trị văn hóa địa phương…

Nông thôn mới Nam Đàn hôm nay

Mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã (23/23 xã) của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; 100% di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn được trùng tu, ưu tiên các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu tham quan, phục vụ phát triển du lịch; rà soát, tiếp tục nâng hạng các di tích đủ điều kiện xếp hạng; quản lý các dữ liệu di tích trên hệ thống thông tin địa lý; tập trung bảo vệ và cải thiện môi trường tại các di tích lịch sử; nghiên cứu, phục dựng tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương; bảo tồn và khai thác giá trị Dân ca Ví Dặm, nghề truyền thống. Kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện; hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí và được Thủ tướng Chính phủ công nhận "Huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch".

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn luôn nêu cao nhận thức trọng trách chính trị to lớn là “quê hương nghĩa trọng tình cao” của Bác Hồ kính yêu, để trong mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm xứng đáng với tình cảm sâu thẳm, vô bờ bến của Bác Hồ. Đó cũng là ước vọng cháy bỏng của người dân trên quê hương Bác, là mong muốn và niềm tin của đồng bào, đồng chí cả nước./.

                                                                                                Nguyệt Hằng

Related Post

Sample Plan