Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch TP. Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ

02/07/2022 1443 0
(TITC)-Chiều ngày 1/7, tại Nghệ An đã diễn ra Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến”.

 

 

 

 

Zalo

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt dự và chủ trì Diễn đàn. Đồng chủ trì có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng.

Diễn đàn có sự tham gia của gần 500 đại biểu là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham gia liên kết; Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu – Eurocham; Hiệp hội du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp, tập đoàn, và cơ quan báo chí, truyền thông.

Zalo

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo diễn đàn

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 414 nghìn lượt, lượng khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng, đạt 66,5% kế hoạch năm.

Thứ trưởng đề nghị toàn ngành cần nắm bắt thời cơ để nhanh chóng phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín có vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mục tiêu năm 2022 ngành du lịch Việt Nam đón 65 triệu lượt khách trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ ngành du lịch ước đạt là 400 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đến hết tháng 6/2022, ngành du lịch đã đạt và vượt chỉ tiêu về số lượt khách nội địa.

Phát triển du lịch Việt Nam là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước cũng như đối với vùng Bắc Trung Bộ. Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển du lịch tham quan nghiên cứu các di sản thế giới và văn hóa lịch sử. Liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ.

Thứ trưởng nhấn mạnh Bộ VHTTDL đánh giá cao sự chủ động mở rộng liên kết giữa các địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ mở rộng với hai trọng điểm du lịch, đầu mối phân phối khách lớn nhất của cả nước là TP. Hà Nội và TP. HCM.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm hơn các vấn đề sau. Thứ nhất, về cơ chế liên kết: xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng có tính thực tiễn và hiệu quả cao, có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình điều phối, thực thi liên kết vùng, từ đó góp phần giải quyết những vấn đề chung đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích và cạnh tranh bình đẳng giữa các địa phương trong vùng, từng bước thực hiện vai trò động lực lan tỏa của vùng Bắc Trung Bộ. Thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cấp quản lý để có những phương án chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch triển khai sát những định hướng phát triển chung của toàn vùng.

Thứ hai, về sản phẩm: trong Quy hoạch tổng thể du lịch Bắc Trung Bộ đã định hướng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử. Trong những năm qua, các địa phương đã khai thác các thế mạnh để xây dựng nên các sản phẩm đặc trưng của riêng mình. Các địa phương trong liên kết cần chú trọng việc xây dựng nội dung phối hợp cụ thể, căn cứ từ tiềm năng, tài nguyên du lịch để định vị sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng nhằm tạo sức hút và ấn tượng về vùng Bắc Trung Bộ đối với du khách.

Zalo

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đồng chủ trì Diễn đàn

Thứ ba, về công tác xúc tiến quảng bá: nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung để quảng bá bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình phát triển, tăng cường năng lực bộ máy và hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng cùng với Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của vùng hướng tới các thị trường khách quốc tế mục tiêu cần khai thác.

Thứ tư, về ứng dụng khoa học và công nghệ: tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng; nghiên cứu, áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các doanh nghiệp du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ; ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thứ năm, về thu hút đầu tư cho du lịch: xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng; có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ các doanh nghiệp và người dân chủ động, sáng tạo và tích cực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch.

Liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ với hai trung tâm du lịch lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không chỉ nhằm trao đổi nguồn khách, mà cần tạo ra sức hút đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo và từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng.

Zalo

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Thứ sáu, về phát triển nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ: Đại dịch COVID-19 làm thay đổi, dịch chuyển lao động của ngành du lịch. Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và phát triển chúng ta cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thật tốt. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm của du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ của chúng ta.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với các thành phần khác trong hệ sinh thái du lịch. Phát huy vai trò kết nối của các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong hoạt động liên kết phát triển du lịch, liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, từ đó hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của khách du lịch trong và ngoài nước.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết TP.HCM luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam trong thời gian qua, thu hút hơn 10 triệu lượt khách nội địa, 500.000 lượt khách quốc tế. Do đó, liên kết này được kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới. Bà tin rằng liên kết sẽ tạo sức bật cho các địa phương và du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng là hoạt động liên kết giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho các đơn vị tham gia để khôi phục và phát triển du lịch. Diễn đàn là dịp để các tỉnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, giá trị tài nguyên du lịch và các điểm đến, sản phẩm du lịch của mỗi địa phương tới TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, là hai trung tâm phân phối khách du lịch lớn của cả nước. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp gỡ, giao lưu, liên kết, mở rộng quan hệ hợp tác.

Zalo

Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố

Điểm nhấn của diễn đàn là Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng; Thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của 8 tỉnh/thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị.

Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng sẽ được triển khai trong 5 năm (2022 - 2027) với 4 nội dung hợp tác chính: Quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm và quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trong đó, về phát triển sản phẩm du lịch, trên cơ sở tiềm năng của địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu cho doanh nghiệp du lịch đưa vào liên kết, hợp tác. Ngoài ra, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch chung giữa các địa phương, trong đó TP. HCM và TP. Hà Nội là hạt nhân của khối liên kết.

Đây là chương trình liên kết phát triển du lịch thứ 6 của TP. HCM sau liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trước đó, chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ cũng được tổ chức từ ngày 26/6 đến ngày 2/7 để kết nối, xây dựng những sản phẩm du lịch liên vùng đặc sắc từ TP. HCM đến các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và ngược lại.

Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu