Đình Hoành Sơn - Phác họa hồn cốt quê hương, xứ sở

11/10/2021 2851 0

Nằm bên hữu ngạn sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động “tạc” lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Nằm bên hữu ngạn sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động “tạc” lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

 

Lời tiên tri 100 năm sau

Đình Hoành Sơn tọa lạc trên diện tích khoảng 2.500m2 nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Trước đây, đình có tên gọi là đình Nam Hoa, rồi đình Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim. Căn cứ theo các tư liệu ít ỏi còn ghi chép lại thì đình Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (2/1763) và đến cuối năm sau (Quý Tỵ 1764) thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng.  
 






Có truyện kể rằng, vị Đốc công xây dựng đình có tên là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (trị vì năm 1740 - 1786). Ông thuộc dòng dõi thế tộc, có uy quyền rộng. Để xây dựng đình, ông cho mời những nhóm thợ nổi tiếng nhất vùng, và mỗi gian đình do một nhóm đảm nhận. Lúc bấy giờ đình đã tạo gần xong chỉ còn lắp dựng. Có một toán thợ từ Kinh đô đi ngang qua, họ bày mưu cử một người thợ giỏi nhất giả dạng ăn mày đến chỗ dựng đình xin ngủ lại, rồi cố tình làm cháy một bộ vì kèo với các bức chạm khắc. Vị Đốc công vô cùng tức giận. Người ăn xin mong được làm lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, người này đã làm mới một bộ vì kèo với những bức chạm tuyệt đẹp khiến cả Hội đồng kỳ mục của làng phải kinh ngạc và thán phục. Sau này, người dân suy tôn vị Đốc công và người thợ giả danh ăn xin thành những vị phúc thần của làng. 
 



 


Trong Kho tàng chuyện kể dân gian xứ Nghệ, lại có truyện kể rằng, sự ra đời của đình Hoành Sơn bắt đầu từ một đêm mưa lụt, nước sông Lam dâng rất cao và cuốn về đây những cây gỗ 3 - 4 người ôm không xuể. Tiếp đó xuất hiện 9 người đàn ông, lấy các cây gỗ, làm liên tục trong vòng 3 năm, tạo dựng nên một ngôi đình đồ sộ với các bức chạm khắc công phu, tinh xảo. Xong việc họ đi mất, có lẽ lên trời. Không rõ những người nhà trời dựng ngôi đình tại làng quê hẻo lánh này nhắn gửi thông điệp gì cho nhân gian, trong đó có những bức chạm khắc mang đầy tính triết lý tầm quốc gia, ví như "Cầu hiền". Đình Hoành Sơn quay về phía Đông Bắc (rất ít thấy trong bố cục các ngồi đình, đền tại miền Bắc Việt Nam), hướng qua bên kia sông Lam tới xã Kim Liên, Nam Đàn; Như một lời tiên tri về 100 năm sau tại đây sẽ xuất hiện một vị thánh tổ - Thánh Hồ Chí Minh. 
 


Đình Hoành Sơn - bậc thầy trong nghệ thuật chạm khắc

Đình Hoành Sơn chỉ là ngôi đình của một làng nhỏ, song lại có quy mô lớn và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đến mức nhiều người phải cho rằng, dân nơi đây đã làm nên “điều không thể”.

Phong cách  kiến trúc nghệ thuật điêu khắc ở đình Hoành Sơn mang dáng dấp của lối kiến trúc thế kỷ XVII - XVIII. Các vì kèo liên kết theo cấu trúc “chồng diêm”, có những bức chạm khắc “lưỡng long chầu nguyệt” rất đẹp. Các cột đình đều có đường kính trên 50cm và là cơ sở chịu lực của toàn bộ kết cấu đình.
 




Đình Hoành Sơn có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ) với diện tích khoảng 150m2, gồm Tiền điện và Hậu điện phía sau tạo thành mặt bằng kiểu "chữ đinh" hay chữ T. Cột đình được làm bằng gỗ lim và chò chỉ, đường kính lớn, đều nhau. Rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà, các đường chân thủy bao quanh. Các hoa văn trong đình được chạm khắc rất công phu, có độ tinh xảo cao như: bát tiên, cưỡi hạc, đánh cờ, đua thuyền, tứ linh, tứ quý, đại bàng đối xứng từng gian, rồng ổ… thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc và phản ánh nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy. Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng 2 con rồng lớn đang ôm cột hướng xuống mặt đất. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ ngồi, nghê chầu; mái ngói được lợp âm dương. Giữa lớp ngói âm và ngói dương là một lớp đất sét được nhào trộn với trấu, tạo thành một chất liệu bền, dẻo có khả năng cách nhiệt tốt; ngói dương có 5 rãnh chẻ thoát nước; nền đình, sân đình được lát bằng gạch cẩm trang... Mặc dù trải qua nhiều trận lũ lớn, mưa bom bão đạn nhưng đến nay đình Hoành Sơn hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy.
 




Tương truyền, trong đình có hơn 100 pho tượng, nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 và 1988 đã làm con đê chắn trước đình bị vỡ và nước đã cuốn trôi gần hết, nay chỉ còn lại 10 pho tượng. Trải qua hàng trăm năm, lũ lụt, chiến tranh, nhưng đến nay đình Hoành Sơn hẫu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy. 

Nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật văn võ song toàn, tư chất hơn người. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt nên được người dân rước vào đình thờ. Bên cạnh đó, đền còn thờ đình còn thờ “Tứ vị thánh nương”.

Đình Hoành Sơn, là một công trình tưởng niệm chung cho tất cả những người đã có những đóng góp lớn lao cho sự ra đời, trưởng thành, phát triển và phồn thịnh của làng Hoành Sơn nói riêng, nước Việt Nam nói chung. Đình được xếp hạng là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tháng 7, năm 1980.
 

Nguyễn Diệu

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu